Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng – Định hướng, giải pháp về cải cách hành chính và chính sách
Người đăng tin: Admin Admin Ngày đăng tin: 29/12/2021 Lượt xem: 34

Với vai trò là trung tâm kết nối, hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và lợi thế về thu hút vốn đầu tư.


Tiềm năng thu hút đầu tư của thành phố Đà Nẵng

Lũy kế đến tháng 12/2021, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 722 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 150.485,6 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản - du lịch, giáo dục, y tế…và 915 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 3.866 triệu USD, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao…theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố. Nhóm quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào thành phố hiện nay lần lượt là Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, BVI và Hàn Quốc.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tiếp và làm việc với đại diện lãnh đạo Tập đoàn LG

vào ngày 30/11/2021 tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng

Trong thời gian qua, đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố thông qua các chỉ tiêu về tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng toàn nền kinh tế, mức độ đóng góp vào ngân sách, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và số lượng việc làm tăng thêm qua các năm. Đặc biệt, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ du lịch đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hội nhập quốc tế và phát triển thương hiệu thành phố. Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào Đà Nẵng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đăng ký đầu tư chiếm số lượng lớn, tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, trong khi đó tỷ trọng đầu tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn còn thấp; sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với doanh nghiệp địa phương còn yếu.

Trong hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, với vai trò là động lực tăng trưởng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Đà Nẵng vẫn có nhiều tiềm năng và lợi thế về thu hút vốn đầu tư. Phân tích SWOT dưới đây cho thấy Đà Nẵng có cơ hội lớn để đón dòng đầu tư trong thời gian tới.

ĐIỂM MẠNH

-  Đà Nẵng là trung tâm kết nối, hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên với vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng tiếp cận các thị trường trong khu vực và trên thế giới.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển nhất khu vực miền Trung về đường biển, đường bộ và đường hàng không.

- Môi trường sống lý tưởng; giao thông thuận tiện; chi phí sinh hoạt tương đối thấp; ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục và bệnh viện đạt chuẩn quốc tế.

- Cơ cấu dân số trẻ; nguồn nhân lực được đào tạo tốt và có cam kết cao; hệ thống giáo dục – đào tạo đại học, cao đẳng và đào tạo nghề đạt chuẩn.

- Chính quyền thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc.

- Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung được phê duyệt có tầm nhìn chiến lược và được phân kỳ đầu tư cụ thể.

- Vẫn còn tiềm năng quỹ đất lớn ở khu vực phía Tây thành phố.

- Đà Nẵng đã và đang tạo được môi trường thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ cao đang dần được hoàn thiện đồng bộ cùng với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao).

ĐIỂM YẾU

- Quỹ đất thu hút đầu tư hạn chế. Các KCN hiện có đã lấp đầy gần 90% trong khi các KCN mới chưa được hình thành; Quỹ đất lớn dành cho phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao ở khu vực đô thị không còn nhiều.

  • Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa có tính khả thi.

  • Thiếu lao động lành nghề, kể cả công nhân kỹ thuật, nhân sự quản lý điều hành, chuyên gia cấp cao, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao.

  • Doanh nghiệp địa phương hạn chế về trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh thấp dẫn, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

  • Hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ còn hạn chế, liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp còn rời rạc.

  • Quy mô thị trường nhỏ, sức mua của thị trường không cao do thu nhập của người dân còn thấp.

  • Dịch vụ tài chính ngân hàng chưa phát triển mạnh, qui mô nhỏ.

- Hệ thống logistics chưa phát triển đồng bộ. Cảng Đà Nẵng cung cấp dịch vụ với chi phí còn cao, thời gian thông quan còn chậm so với các cảng biển ở Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh.

CƠ HỘI

  • Môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam đã có những cải thiện mạnh mẽ và được đánh giá cao trong những năm gần đây.
  • Các hiệp định thương mại song phương và đa phương đặc biệt là CPTPP, EVFTA, RCEPT mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường. Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng có cơ hội được chọn làm địa điểm đầu tư sản xuất hàng hóa để xuất khẩu sang nước thứ ba.
  • Với việc kiểm soát thành công dịch Covid-19, Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đánh giá là một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn
  • Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung các quy định rõ ràng, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp, bổ sung quy định ưu đãi đặc biệt để đón dòng chuyển dịch đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, đem lại giá trị gia tăng cao, có sự liên kết mạnh mẽ với các doanh nghiệp trong nước và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

THÁCH THỨC

- Sự cạnh tranh của các điểm đến đầu tư ở tầm quốc gia.

- Dịch bệnh Covid – 19 trên thế giới diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các thị trường trọng điểm thu hút đầu tư, dòng vốn đầu tư nước ngoài giảm sút.

- Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, trung tâm du thuyền quốc tế của khu vực, tuy nhiên hiện chưa có hành lang pháp lý liên quan đến các lĩnh vực này như quy định về đặc khu tài chính, sử dụng đồng tiền trong giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định cấp phép cập/rời bến một lần trong suốt thời gian lưu hành của du thuyền tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng

- Tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư phát triển ngành sản xuất và dịch vụ du lịch của thành phố.

Định hướng và mục tiêu thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng đến năm 2030

Ngày 26/10/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó khẳng định việc thu hút đầu tư vào thành phố cần chọn lọc, gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng - an ninh; bảo vệ tài nguyên và môi trường; gia tăng số lượng dự án FDI có khả năng hình thành các chuỗi cung ứng mới và gắn kết với đầu tư trong nước nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nguồn: dantri.com.vn)

Với quan điểm nêu trên, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng, trong đó, đặc biệt coi trọng các thị trường, đối tác hiện tại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đức,...đồng thời khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn (thuộc Forbes 500) và doanh nghiệp tại các nước phát triển (G7, G8, OECD…) cũng như tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước; người Việt Nam ở nước ngoài.

Các lĩnh vực thành phố tập trung thu hút đầu tư bao gồm: công nghệ thông tin; công nghiệp công nghệ cao (công nghệ sinh học, tự động hóa và cơ điện tử, vật liệu mới, dược phẩm và thiết bị y tế); công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện – điện tử; nghiên cứu và phát triển; dịch vụ logistics, thương mại, du lịch – bất động sản giá trị cao; dịch vụ tài chính (quản lý tài sản, quỹ đầu tư, các giao dịch tài chính offshore) và công nghệ tài chính (fintech); giáo dục – đào tạo và y tế chất lượng cao; du thuyền quốc tế; văn hóa, thể dục – thể thao;  nông nghiệp hữu cơ, sinh thái.

Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ thu hút vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 07 tỉ USD (giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng 03 tỷ USD; giai đoạn 2026 – 2030 đạt khoảng 04 tỷ USD); Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018; Tỉ lệ nội địa hoá tăng lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động đạt 75% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Một số giải pháp về cải cách hành chính và chính sách nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố

Tại Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng được UBND thành phố ban hành ngày 26/10/2021 đã đề ra 06 nhóm giải pháp gồm: hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn lao động chất lượng cao, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát đầu tư và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp xu thế đầu tư hậu Covid-19. Trong khuôn khổ bài viết này, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tập trung làm rõ một số giải pháp liên quan đến công tác cải cách hành chính và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo lập môi trường minh bạch và hiệu quả trong hoạt động thu hút đầu tư.

Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo xem đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Các Sở ban ngành liên quan đã nỗ lực giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, đánh giá tác động môi trường, triển khai thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng...Cơ chế một cửa đã được áp dụng đồng bộ ở cả ba cấp (thành phố, quận/huyện, xã/phường) góp phần tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, môi trường, lao động, quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng, giao thông vận tải, thuế... Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhà dầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, đưa dự án vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn,linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid – 19, thành lập các Tổ công tác (Tổ công tác liên ngành tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch tài chính và các vấn đề có liên quan khác đối với các dự án, khu đất trên địa bàn thành phố; Tổ công tác liên ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng; Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố...). Ngoài ra, đối với các dự án trọng điểm, lãnh đạo thành phố cũng đã chỉ đạo thành lập các Tổ công tác liên ngành nhằm tập trung giải quyết có trọng tâm, trọng điểm các khó khăn, vướng mắc của dự án phấn đấu đưa dự án vào khởi công xây dựng trong năm 2022, tạo động lực phát triển mới cho thành phố.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan đến dự án đầu tư vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp/nhà đầu tư. Tình trạng cán bộ, công chức của thành phố máy móc, rập khuôn, không nhất quán trong việc hướng dẫn các thủ tục đầu tư khiến cho doanh nghiệp/nhà đầu tư phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ nhiều lần vẫn còn khá phổ biến. Do tâm lý e ngại, dè chừng, sợ trách nhiệm trong công tác tham mưu đã dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng. Nguồn: baodanang.vn

Để khắc phục tình trạng này, thành phố cần tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông cấp thành phố thông qua vận hành hiệu quả Hệ thống quản lý giám sát dự án đầu tư gắn liền với trách nhiệm của các sở ngành; đồng thời, cần tiếp tục thực hiện rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính, công bố rộng rãi bộ thủ tục hành chính này đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp; thường xuyên tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ không chỉ đối với chuyên viên trực tiếp xử lý hồ sơ mà còn đối với chuyên viên thuộc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhằm đảm bảo sự nhất quán trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thủ tục; tăng cường trật tự kỷ cương trong quản lý hành chính; có cơ chế phù hợp để khuyến khích sự năng động, sáng tạo của cán bộ, đồng thời tăng cường việc giám sát thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ công chức; có chế tài và kiên quyết xử lý, điều chuyển những cán bộ công chức trì trệ, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Như đã đề cập ở trên, một trong những điểm mạnh của thành phố trong thu hút đầu tư chính là sự chủ động và đồng hành của chính quyền thành phố thể hiện qua một loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành. Theo đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, đã có 13 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành liên quan đến chính sách, cơ chế hỗ trợ đầu tư và sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách không còn phù hợp với thành phố như chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng…Tuy nhiên, một số chính sách chưa thực sự hấp dẫn và khả thi trong thực tiễn như chính sách khuyến khích phát triển công nghệ thông tin chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước, chính sách khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao chưa hấp dẫn và chưa thực sự giải quyết “điểm nghẽn” về đất đai đối với các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hay chính sách xã hội hóa với những ưu đãi miễn giảm về tiền thuê đất không áp dụng được trong thực tiễn do những chồng chéo trong các quy định pháp luật về đất đai và đầu tư. Ngoại trừ các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng và các Khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp hiện hữu và ngoài các Khu công nghiệp hầu như không được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. So với các tỉnh, thành phố lân cận, Đà Nẵng phần nào khó cạnh tranh trong thu hút đầu tư các dự án sản xuất.

Do vậy, công tác rà soát và dự báo chính sách của trung ương để làm cơ sở xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp/ nhà đầu tư tại địa phương cần được thực hiện có chất lượng và cẩn trọng nhằm tránh tình trạng chính sách sau khi ban hành không thể áp dụng trong thực tiễn do vi phạm các quy định của pháp luật liên quan. Các chính sách hỗ trợ đầu tư thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, UBND thành phố cần được ban hành kịp thời và có tính khả thi và đủ sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 43/NQ-BCT đã mở ra cho Đà Nẵng cơ hội lớn để phát triển trong giai đoạn mới nên Đà Nẵng cần nắm bắt cơ hội này để xây dựng lộ trình đề xuất các chính sách, cơ chế cụ thể. Trên cơ sở đó, lãnh đạo thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ đề xuất một số chính sách đặc thù theo thứ tự ưu tiên cho thành phố nhằm triển khai một số dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có những bước tăng tốc, đột phá mới như trung tâm tài chính, khu phi thuế quan, trung tâm logistics, bến du thuyền quốc tế... Các chính sách đặc thù đề xuất cần được tham vấn ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp một cách khoa học và hệ thống; đảm bảo theo lộ trình và định hướng phát triển của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045./.

Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng