Quản lý nội dung HTML

DA NANG WORTH LIVING, WORTH INVESTING

Quản lý nội dung HTML

Quản lý nội dung HTML

Tin tức

Khung tìm kiếm
  Tìm kiếm nâng cao >>

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Đà Nẵng: Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng mạnh
Người đăng tin: Ngày đăng tin: 07/06/2021 Lượt xem: 25

Được kỳ vọng góp phần tạo thế mạnh cho thành phố trong hoạt động thu hút đầu tư, trở thành nhân tố thúc đẩy khối doanh nghiệp nội địa phát triển, từ năm 2016 đến nay, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt nhiều kết quả tích cực.


Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư thu hút vào lĩnh vực này ước đạt hơn 9.040 tỷ đồng; tỷ trọng giá trị tăng thêm của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong toàn ngành công nghiệp từ 21,4% trong năm 2015, tăng lên khoảng 22,5% trong năm 2020.

Khối doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế

Theo đánh giá từ Sở Công thương, ngành công nghiệp hỗ trợ của Đà Nẵng đã định hình khá rõ nét với cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực đa dạng; đang là “điểm dừng chân” hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào thành phố. Trong đó, khối doanh nghiệp (DN) FDI vẫn chiếm ưu thế về số dự án đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện, bộ phận, phụ tùng, nguyên vật liệu, máy móc phục vụ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh.... Phần lớn DN công nghiệp hỗ trợ khu vực FDI đã tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, dự kiến một số dự án lớn trong lĩnh vực này khi đi vào hoạt động, nhất là lúc tình hình Covid-19 được kiểm soát, sẽ tạo thay đổi lớn về tỷ trọng của công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp.

Từ năm 2016 đến nay, tính sơ bộ các khu công nghiệp (KCN), Khu Công nghệ cao (CNC) thu hút được khoảng 24 dự án công nghiệp hỗ trợ, gồm: 9 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 1.402 tỷ đồng và 15 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 311,9 triệu USD (tương đương khoảng 7.640 tỷ đồng). Thành phố hiện có khoảng 110 DN hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm khoảng 6,3% tổng số DN công nghiệp; trong đó, có 29 DN FDI, chiếm khoảng 1/4 số lượng DN công nghiệp hỗ trợ; khối DN trong nước tập trung nhiều ở lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, chiếm gần một nửa trong tổng số DN công nghiệp hỗ trợ.

Xét từng ngành nghề cụ thể: ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử, lắp ráp chi tiết, linh kiện điện, điện tử các loại để xuất khẩu trong số 15 DN có quy mô khá, đang tham gia sản xuất có 8 DN FDI; công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô-tô, phương tiện vận tải khác có 18 DN thì DN FDI chiếm một nửa, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo máy móc, dệt may, da giày hiện có khoảng 21 DN tham gia sản xuất, trong đó có 9 DN FDI. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ công nghiệp CNC thu hút 4 DN đầu tư sản xuất.

Tính đến nay, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, do Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký 170 triệu USD vẫn là dự án lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được thu hút vào Khu CNC Đà Nẵng. Khối DN nội địa đã có bước chuyển mình tích cực, nhiều dự án về công nghiệp hỗ trợ của DN trong nước đã đầu tư vào Đà Nẵng trong thời gian qua. Nổi bật như dự án nhà xưởng cho thuê của Công ty CP Long Hậu...

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết, thành phố đang xúc tiến trao chủ trương nghiên cứu đầu tư một số dự án có vốn đầu tư lớn vào Khu CNC ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ gồm: dự án mở rộng Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (tổng vốn đầu tư 100 triệu USD); dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D, của Công ty TNHH Arevo Việt Nam (Hoa Kỳ) có tổng vốn đầu tư 135 triệu USD. Các dự án khi đi vào hoạt động, dự kiến sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, công nghiệp thành phố nói chung tăng trưởng hơn.

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ tăng mạnh sẽ tạo ra cơ hội để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Công nhân đang sản xuất tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu, Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: KHÁNH HÒA
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ tăng mạnh sẽ tạo ra cơ hội để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu, Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: KHÁNH HÒA

Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đã ban hành

Đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ cho công nghiệp hỗ trợ tại Khu CNC Đà Nẵng từ năm 2018, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty CP Long Hậu cho biết, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng, nhất là sau khi thành phố ban hành một nghị quyết dành riêng cho lĩnh vực này.

Hai năm qua, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài nhưng mỗi tháng, đơn vị vẫn đón 5-6 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, thuê nhà xưởng để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Riêng dự án nhà xưởng cho thuê tại Khu CNC của Long Hậu đã tiếp nhận 2 nhà đầu tư Nhật Bản đến thuê. Theo ông Hiếu, mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư khi cân nhắc đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng là vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao và hạ tầng phục vụ sinh hoạt cho người lao động, đội ngũ chuyên gia.

Cho rằng việc thành phố quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là tín hiệu đáng mừng, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng khẳng định, nếu phát triển xứng tầm, công nghiệp hỗ trợ không chỉ góp phần tăng lợi thế cho Đà Nẵng trong hoạt động thu hút đầu tư mà còn góp phần tạo cơ hội cho DN trong nước, DN của địa phương được tiếp cận và tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng này.

“Trong một thời gian dài, khi thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ của địa phương đã kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ việc làm vệ tinh cho các nhà đầu tư FDI. Tuy nhiên, trên thực tế, những dự báo về việc chuyển giao công nghệ, tạo thêm việc làm… vẫn chưa thực sự rõ nét có hiệu quả. Bây giờ, chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có, việc còn lại là phải làm sao triển khai hiệu quả để các dự án thu hút đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phải thực sự trở thành “người dẫn dắt” cho nền kinh tế thành phố nói chung, DN nội địa nói riêng”, ông Quang phân tích.

Theo Sở Công thương thành phố, thời gian tới, thành phố tập trung nâng cao hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư với mục tiêu giai đoạn 2021-2025, thu hút ít nhất 1 công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng; tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục đẩy mạnh thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng, đi cùng đó là thúc đẩy các DN công nghiệp hỗ trợ nội địa tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất/cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, thí điểm một số chính sách hỗ trợ đặc thù đối với DN công nghiệp hỗ trợ trong Khu công nghiệp hỗ trợ Khu CNC Đà Nẵng.

(Theo Báo Đà Nẵng)


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Quản lý nội dung HTML

Địa chỉ

Tầng 18, Trung tâm Hành chính,

24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nội dung HTML

Liên hệ

84-236-3886243/ 3810054

ipa@danang.gov.vn

Quản lý nội dung HTML

Liên kết web

Insert title here

Quản lý nội dung HTML

Bản quyền của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng

Giấy phép: Số 124/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 20/02/2017

Trưởng Ban Biên tập: Bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng